Khoa học công nghệ, động lực cho phát triển nhanh và bền vững : Kỳ cuối - Khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu

Đăng bởi PHÚ AN THỊNH vào lúc 18/08/2022

BHG - Thực hiện nhất quán chủ trương khoa học, công nghệ (KHCN) là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; tỉnh ta đã, đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng để đưa KHCN trở thành động lực, nền tảng xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Một trong số đó là việc ngày 12.1.2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 16 về đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới, sáng tạo trong các DN, HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025. Kế  hoạch số 16 của UBND tỉnh thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của tỉnh về lĩnh vực KHCN, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập kinh tế mạnh mẽ hiện nay.

  Công ty TNHH Thành Sơn, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) hiện có hàng chục sản phẩm chè Shan tuyết hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ.
  Công ty TNHH Thành Sơn, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) hiện có hàng chục sản phẩm chè Shan tuyết hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Với quan điểm xuyên suốt: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”; tỉnh ta đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức ngành KHCN có trình độ cao, tâm huyết, cống hiến cho sự phát triển KHCN và sự phồn vinh nơi cực Bắc Tổ quốc. Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ KHCN được tỉnh chú trọng thông qua việc tăng cường hợp tác, liên kết với các trường đại học; hợp tác chặt chẽ giữa công tác tuyển sinh đào tạo với nhu cầu tuyển dụng; tổ chức mở các lớp đại học tại chức vừa học, vừa làm nhằm bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ KHCN phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chung của tỉnh và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, toàn tỉnh có gần 30.500 cán bộ KHCN, bước đầu xây dựng và hình thành được đội ngũ cán bộ KHCN có trình độ cao, nhất là về công nghệ thông tin. Trong đó, 54 người có trình độ chuyên môn tiến sĩ và tương đương, 1.300 người có trình độ thạc sĩ/chuyên khoa cấp I, 18.635 người có trình độ đại học...

Cùng với kết quả trên, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách tài chính nhằm tạo sức bật mạnh mẽ cho phát triển KHCN. Theo lãnh đạo Sở Tài chính: Hàng năm, Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KHCN, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho KHCN, phục vụ sự phát triển KT-XH của tỉnh. Căn cứ dự toán T.Ư giao, nhiệm vụ KHCN thực hiện hàng năm, Sở Tài chính tổng hợp trình phân bổ thực hiện chi ngân sách nhà nước cho KHCN bằng hoặc cao hơn mức T.Ư giao từ 9 – 13%. Chỉ từ năm 2018 đến nay, tổng ngân sách địa phương đầu tư cho hoạt động KHCN lên đến hơn 131 tỷ đồng, tương đương 1,4% so với tổng chi ngân sách.

Mặt khác, để góp phần tăng tiềm lực KHCN, tỉnh ta tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KHCN với thành phố Bách Sắc - Quảng Tây (Trung Quốc); tổ chức đưa đoàn quốc tế khảo sát, nghiên cứu khai thác nước từ các hang động trên Cao nguyên đá Đồng Văn phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân thông qua công nghệ bơm nước không dùng điện (PaT). Đồng thời, ký thỏa thuận hợp tác với 9 đơn vị (viện, trường đại học) cấp T.Ư. Qua hợp tác không chỉ thúc đẩy, đưa nhanh các thành tựu KHCN vào đời sống mà còn phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn lực KHCN, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN và KT-XH của tỉnh.

Mặc dù trong điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, song, tỉnh ta đặc biệt quan tâm xây dựng nền tảng cho doanh nghiệp (DN) phát triển, nhất là hỗ trợ DN ứng dụng và đổi mới sáng tạo, thông qua các chương trình: Tiếp sức khởi nghiệp, Vườn ươm DN khởi nghiệp tỉnh, nâng cao năng lực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển DN lĩnh vực KHCN. Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 16, ngày 12.1.2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới, sáng tạo trong các DN, HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025 (Kế hoạch số 16); Sở Khoa học và Công nghệ đã, đang tiến hành lựa chọn, phân nhóm DN, HTX tham gia nhiệm vụ hỗ trợ KHCN và đổi mới sáng tạo, tập trung vào 4 khâu (sản phẩm, quy trình, cách tổ chức, tiếp thị) góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, HTX trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ các DN, HTX đi đầu trong ứng dụng tiến bộ KHCN và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển các DN, HTX vệ tinh, phụ trợ theo chuỗi giá trị gia tăng để tạo động lực cho phát triển KT-XH. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phan Đăng Đông cho biết: Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 9 DN, HTX đổi mới công nghệ; 17 DN, HTX được xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 và công cụ cải tiến năng suất 5S; 13 DN, HTX xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, quy chuẩn kỹ thuật; 2 DN, HTX đạt giải thưởng chất lượng quốc gia. Qua đó, góp phần nâng tốc độ đổi mới công nghệ của tỉnh đạt 8%.

Đặc biệt, tỉnh ta đã thành lập được 5 DN KHCN, thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu, công nghệ thông tin. Dù số lượng chưa nhiều nhưng các DN này cơ bản hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Phó Giám đốc Công ty TNHH Thành Sơn Phạm Thị Minh Hải, chia sẻ: “Với vai trò là DN tiên phong đưa KHCN vào sản xuất chè Shan tuyết cổ thụ, hướng đến sản phẩm tinh, có giá trị cao, chúng tôi nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của KHCN. Đây là giải pháp hàng đầu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất; từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp”. Sở hữu dây chuyền sản xuất hiện đại trị giá hàng tỷ đồng với kho lạnh, dây chuyền diệt khuẩn, diệt men, tủ sấy lạnh... không chỉ giúp Công ty TNHH Thành Sơn giữ được tinh hoa, giá trị của chè xanh Shan tuyết cổ thụ trong quá trình chế biến mà còn cho ra đời hàng chục sản phẩm cao cấp thuộc các dòng: Trà Xanh, Hồng trà, trà Trắng, trà Bánh, trà Dược và các sản phẩm làm đẹp từ trà. Năm 2019, DN có 3 sản phẩm xuất sắc giành giải thưởng cao tại Cuộc thi Trà quốc tế tổ chức tại Pháp, gồm: Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh (giải Ấn tượng), Hồng trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh (giải Vàng) và Hồng trà Shan tuyết cổ thụ 1 búp Tây Côn Lĩnh (giải Bạc).

Mặc dù hoạt động KHCN có nhiều chuyển biến tích cực, song tỉnh ta cũng thẳng thắn nhận diện không ít “rào cản” cần tháo gỡ để nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN. Trong đó, kết quả ứng dụng KHCN vào thực tiễn còn hạn chế; các DN ít quan tâm đến việc ứng dụng KHCN vào sản xuất; chưa có nhiều công trình khoa học mang tính đột phá, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 4 đơn vị sự nghiệp được xác định là tổ chức KHCN công lập; thiếu các tổ chức KHCN ngoài công lập hay DN KHCN thực hiện chức năng chính về KHCN; thiếu các chuyên gia đầu ngành và nguồn nhân lực trực tiếp tham gia triển khai các hoạt động KHCN phục vụ sản xuất và đời sống thông qua các tổ chức KHCN. Mặt khác, hoạt động của các trung tâm, trạm, trại khoa học kỹ thuật chưa phát huy vai trò cầu nối, dịch vụ gắn KHCN với sản xuất...

Khắc phục những hạn chế trên, hiện nay, tỉnh ta đang quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường tiềm lực KHCN, đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo vào sản xuất, đời sống. Đồng thời, tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch số 16 của UBND về đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới, sáng tạo trong các DN, HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025. Trong đó, tập trung hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, HTX thông qua hoạt động ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo. Giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu trung bình mỗi năm tăng 5% trên tổng số DN, HTX có hoạt động ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, từng bước chuyển đổi vị trí, vai trò của khoa học từ gắn với phát triển KT-XH sang phục vụ phát triển KT-XH, phấn đấu đạt vị trí dẫn dắt phát triển KT-XH vào năm 2025.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Xin chào
close nav